Dẫn câu chuyện đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, năm 2019 doanh số vẫn còn tốt nhưng sang tới năm nay đã về 0, ông Trương Gia Bình khẳng định thái độ trước khó khăn là điều cần chú ý đầu tiên.
"Ứng xử của các doanh nghiệp khởi nghiệp, của doanh nhân lớn là thay vì hoảng loạn, họ lại rất bình tĩnh vì họ có niềm tin rằng khó khăn nào cũng có con đường. Vấn đề là chúng ta có tìm được con đường hay không, chúng ta buông tay hay ngược lại, vẫn suy nghĩ vắt óc để tìm ra giải pháp bởi trong nguy lúc nào cũng có cơ".
"Khởi nghiệp tức là vượt khó, nếu có ý chí chắc chắn sẽ hái quả ngọt".
Ông Bình dẫn lại câu chuyện giữa ông và tỷ phú Jack Ma trao đổi trong năm 2017 để làm rõ luận điểm này.
"Hồi tôi đón Jack Ma của Alibaba, tôi hỏi ‘Khi gặp khó, khi vấp ngã thì anh làm gì’, vì đời Jack Ma toàn vấp ngã thôi. Lúc ấy Jack Ma trả lời: Nếu vấp ngã thì tôi đứng dậy, vì không đứng dậy thì biết làm thế nào nữa?".
"Tôi hỏi tiếp: Nếu gặp vấn đề khó các anh làm gì. Và ông ấy trả lời: Khó thì chúng tôi bàn bạc, không ra thì chúng tôi đi ngủ, hôm sau chúng tôi lại bàn bạc, không ra thì lại đi ngủ, cứ thế cho đến bao giờ chúng tôi tìm ra lời giải thì thôi". Chủ tịch Vida nhắc lại, đồng thời nhấn mạnh: "Kinh nghiệm lớn nhất của các nhà khởi nghiệp vĩ đại là họ không bao giờ chùn bước, liên tục đi tìm lời giải đúng trong thế giới này. Họ luôn tin nếu cố gắng thì ở đâu đó sẽ có quả ngọt".
Công thức từ 0 đến 1 với khởi nghiệp
Ông Bình chia sẻ nhiều người nghĩ khởi nghiệp cần có tư duy bài bản như được dạy trong các trường quản trị kinh doanh, cần có báo cáo thị trường, phân tích số liệu. Tuy nhiên, ông lấy câu chuyện của doanh nhân Trần Lệ Nguyên, đồng sáng lập Công ty Kinh Đô, nay là tập đoàn Kido, để nói về công thức từ 0 đến 1 của mô hình khởi nghiệp tinh gọn.
"Bắt đầu gia đình anh Nguyên ra chợ mua sữa, bột, đường, bơ,…về làm bánh. Rồi sau đó ra chợ Bến Thành chào bán cho một người bán sỉ. Người bán sỉ nói chưa phù hợp nên anh về nhà ngủ, hôm sau lại mua bột, sữa, đường về làm tiếp. Cứ như vậy trong 6 tháng liên tiếp, nghĩa là sau 60 lần thử nghiệm, người bán sỉ đồng ý phân phối bánh của anh Nguyên. Đó là quá trình từ 0 đến 1".
"6 tháng tiếp nữa, anh Nguyên lặp lại quá trình ngủ rồi dậy đi chợ mua sữa, đường,...và tiếp cận đặt vấn đề với 9 người bán sỉ khác. Thêm 6 tháng nữa, 10 người bán sỉ tại chợ đầu mối đồng ý bán hàng của anh Nguyên. Lúc này anh ấy lại mua nguyên liệu và làm nhiều hơn để cung cấp cho 10 đầu mối. Tới khi số đầu mối phân phối hàng lên tới 100 thì anh ấy xây nhà máy, và có thương hiệu Kinh Đô".
"Trong tập đoàn FPT, chúng tôi cũng làm nguyên tắc i xì như vậy, chúng tôi không làm cái gì lớn cả. Chúng tôi thử nghiệm trên từng khách hàng và đi từ 0 đến 1, đấy mới là khởi nghiệp".
Trong thông điệp của mình gửi tới những người đang, đã và sẽ đi trên con đường khởi nghiệp ông Trương Gia Bình nhắn nhủ rằng cái nghèo chính là một cơ hội lớn cho khởi nghiệp sáng tạo, điều mà những người sống trong vật chất đầy đủ chưa chắc đã có được.
"Chúng tôi là tầng lớp đầu tiên khởi nghiệp ở Việt Nam, cũng ra đi để khởi nghiệp với ý muốn đơn giản là đủ sống qua ngày. Đó là động lực quan trọng nhất để hướng tới thành công. Thay vì ghen tỵ với những người có điều kiện, hãy mỉm cưới vì biết đâu các bạn mới chính là người tạo ra tương lai".