Người hạnh phúc nhất không phải là người có nhiều những thứ tốt nhất, mà là có được một tình bạn tri kỷ.
Thời kỳ Xuân Thu, từ năm 685 TCN đến năm 643 TCN, nước Tề là một nước rất mạnh trong những nước chư hầu của nhà Chu, Tề Hoàn Công cũng là người đứng đầu trong Ngũ Bá. Nhưng để có được sự thành công vang dội đó thì không thể không nhắc đến nhà chính trị gia, nhà quân sự, nhà kinh tế tài ba lẫm liệt Quản Trọng. Ông chính là người giúp Tề Hoàn Công dựng lên bá nghiệp cho mình.
Có thể nói, Quản Trọng chính là bậc kỳ tài trong số kỳ tài. Từ khi Quản Trọng được Tề Hoàn Công trọng dụng rồi tôn làm “Trọng Phụ”, có thể nói đây chính là lúc Quản Trọng như cá gặp nước, tha hồ vẫy vùng, thi triển tài năng kiệt xuất của mình khiến sử sách lưu danh thiên cổ.
Tuy nhiên để có được một Quản Trọng tài ba hơn người, sử sách lưu danh thì lại chính là nhờ vào công lao to lớn của Bảo Thúc Nha, người bạn tri kỷ từ thuở hàn vi của mình. Đương thời, nước Tề cũng tương đối phát triển, Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là đôi bạn cùng làm ăn buôn bán. Chuyện cũng không có gì đáng nói nếu như là lẽ thông thường thì bạn bè buôn bán cùng nhau thì có lãi cùng chia có lỗ cùng chịu. Nhưng ở đây mọi chuyện ở đây lại hoàn toàn trái lại.
Theo như sách “Đông Chu Liệt Quốc” có ghi thì Quản Trọng và Bảo Thúc Nha cùng buôn bán, nhưng mỗi khi kiếm được lời, Quản Trọng bao giờ cũng nhận lấy phần hơn, chỉ chia cho Bảo Thúc Nha chút ít mà thôi. Còn lúc làm ăn thua lỗ thì lại chỉ mình Bảo Thúc Nha phải chịu, ấy vậy mà Bảo Thúc Nha chẳng hề tỏ ý phàn nàn.
Người ngoài thấy nói với Bảo Thúc Nha:“Cùng công cán như nhau, sao ông lại để cho Quản Trọng hiếp mình như thế?”.
Bảo Thúc Nha đáp:“Quản Trọng đâu phải tham lam, ấy chỉ vì nhà nghèo, tiêu không đủ, nên ta nhường cho cậu ấy”.
Chuyện cũng chưa dừng ở đó, khi Tề Tương Công nghe nói hai người đều là người có tài học cao hiểu rộng nên mời về phò tá. Sau khi ra phò Tề Tương Công giúp việc quân vụ, mỗi lần ra trận, Quản Trọng đều đi sau Bảo Thúc Nha, nhưng đến lúc lui binh về thì Quản Trọng lại đi trước. Ai nấy cho Quản Trọng nhát gan.
Bảo Thúc Nha nói:“Không phải Quản Trọng nhát gan đâu, chỉ vì nhà còn mẹ già nên muốn giữ lấy thân để phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu”.
Khi Quản Trọng làm ăn đa phần nhiều bị thất bại, ai nấy cũng cho là kẻ bất tài.
Bảo Thúc Nha nói:“Đó là con người chưa gặp thời. Nếu lúc Quản Trọng đã gặp thời, thì nói mười lời không sai một”.
Quản Trọng nghe Bảo Thúc Nha nhận xét mình như thế, lòng rất khâm phục, than rằng: “Sinh ra ta ấy là cha mẹ, mà hiểu biết ta thì trong đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi”.
Cũng kể từ lúc đó, hai người trở nên tương đắc, là đôi bạn tri kỷ của nhau.
Không dừng lại ở đó, Bảo Thúc Nha còn tiến cử Quản Trọng vào triều làm đại phu, cùng phò tá việc nước. Vua Tề có hai người con, người lớn là Công tử Củ mẹ người nước Lỗ, người nhỏ là Công tử Tiểu Bạch, mẹ người nước Cử. Hai vị Công tử này tuy không phải con dòng đích, nhưng vua Tề thấy đã khôn lớn cần phải tìm thầy dạy dỗ nên Quản Trọng nói với Bảo Thúc Nha:
“Tề hầu có hai người con tuy là dòng thứ mặc lòng, song không có dòng đích thì ngày sau dòng thứ phải được nối ngôi. Bây giờ chúng ta lãnh mỗi đứa một người mà dạy dỗ, sau này nếu người nào được nối ngôi thì chúng ta tiến cử lẫn nhau để được trọng dụng”.
Bảo Thúc Nha khen phải, nên hai người vào triều yết kiến vua Tề. Bảo Thúc Nha thì lãnh Công tử Tiểu Bạch, còn Quản Trọng lãnh Công tử Củ.
Về sau, Tề Tương Công bị Vô Tri mưu hại để chiếm ngôi, nhưng sau khi lên ngôi chưa đầy 1 tháng lại bị quần thần trong triều không phục nên ra tay ám sát. Lúc này Công tử Củ và Công tử Tiểu Bạch đang lánh nạn ở bên ngoài, nghe tin Vô Tri bị ám sát nên nhanh chóng về nước tranh ngôi.
Quản Trọng vì muốn đưa Công Tử Củ lên ngôi nên chặn đường Công tử Tiểu Bạch rồi ra tay mưu sát, dùng tên bắn Công Tử Tiểu Bạch, nhưng mưu sát bất thành. Công tử Tiểu Bạch nhanh trí tương kế tựu kế về nước trước nên được lên ngôi thay Công Tử Củ.
Sau khi Công tử Tiểu Bạch lên ngôi, lấy hiệu là Tề Hoàn Công, cho người truy sát Công tử Củ và những người phò tá của Công tử Củ, trong đó có Quản Trọng.
Quản Trọng lúc này đã xác định như cá nằm trên thớt, đợi giờ chết. Nhưng may thay, lại một lần nữa Bảo Thúc Nha nhớ lại tình xưa nên ra tay cứu. Không những cứu Quản Trọng mà còn tiến cử cho Tề Hoàn Công thay chỗ mình làm Tể tướng nước Tề.
Sau khi Quản Trọng được Tề Hoàn Công bỏ đi thù xưa mà trọng dụng, không những vậy còn nhận làm “Trọng Phụ”, việc trong triều, bất kể to nhỏ đều hỏi ý kiến của Quản Trọng. Quản Trọng từ khi được Tề Hoàn Công trọng dụng thì bắt đầu thi triển tài năng kinh bang tế thế của mình.
Quản Trọng triển khai phương pháp dùng Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ để trị quốc. Lấy đạo đức để giáo hoá nhân dân làm trọng, lấy trăm họ làm gốc để phát triển quốc gia, mở rộng bờ cõi. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đã đưa nước Tề trở thành một nước đứng đầu trong Ngũ Bá.
Sau này khi Quản Trọng lâm bệnh nặng qua đời, trước lúc qua đời Tề Hoàn Công hỏi ý Quản Trọng tiến cử Bảo Thúc Nha thay chức Tể tướng, nhưng Quản Trọng lại không đồng ý mà chọn người khác. Có người đem tin ấy báo với Dịch Nha. Dịch Nha vào yết kiến Bảo Thúc Nha, rồi nói với Bảo Thúc Nha:“Ngày trước ngài tiến dẫn Trọng phụ lên làm tể tướng, nay Trọng phụ ốm, chúa công hỏi chuyện, Trọng phụ lại nói ngài không có tài chính trị mà tiến dẫn Thấp Bằng, tôi rất lấy làm bất bình”.
Bảo Thúc Nha cười mà nói rằng:“Đây chính là nguyên nhân mà ta mới tiến cử Trọng phụ, Trọng phụ là người trung với nước mà không vì bạn. Giả sử chúa công cho ta làm chức tư khấu để trừ khử những đứa gian nịnh thì ta làm được, chứ cho ta cầm quyền chính trong nước thì lũ các ngươi còn đất nào mà dung thân nữa”?
Tề Hoàn Công cũng từng nói với Quản Trọng:“Bảo Thúc Nha trước nay luôn đối xử tốt với Trọng phụ như vậy, tại sao Trọng phụ lại không muốn tiến cử cho ông ấy?”
Quản Trọng đáp:“Ấy là vì thần rất hiểu con người của Bảo Thúc Nha, tính tình ông ấy là người thanh bạch liêm chính, thấy người không như mình thì coi khinh. Gặp người xấu, phạm sai lầm thì đến chết cũng không quên, người như vậy không thể làm Tể tướng được, sẽ hại ông ấy”.
Nhân sinh như mộng, đời người như một giấc chiêm bao. Trong xã hội ngày nay, khi mà cuộc sống người đối người thật giả khó lường, vậy nên làm người có thể tìm được cho mình một người bạn thật lòng trước sau như một cũng đã là điều khó có, huống chi có thể tìm được cho mình một người tri kỷ. Vậy nên cũng như ai đó đã từng nói: “Người hạnh phúc nhất không phải là người có nhiều những thứ tốt nhất, mà là có được một tình bạn tri kỷ”.
Sống ở đời, bất kể bạn có thể quen biết được bao nhiêu người, điều đó không quan trọng, quan trọng bạn có được bao nhiêu người có thể hiểu mình, đấy mới là điều thiết yếu.
Người xưa đối với việc kết giao bằng hữu, việc đầu tiên chính là nhìn vào nhân cách, phẩm hạnh của một người chứ không phải bởi sự giàu có vật chất, địa vị của một người. Chỉ khi nào người người kết giao bằng hữu đến với nhau bằng tấm lòng, bằng đức tính và phẩm hạnh thì mối quan hệ đó mới có thể trường tồn bất biến.
Nguồn: hoccachsong.vn