Khi bạn không còn muốn đầu tư thêm cho công việc mình đang làm, không còn năng lực để sáng tạo, học hỏi trong công việc, hãy can đảm buông tay. Đó là cách bạn tôn trọng những người làm việc cùng và chính cuộc đời của mình.
Bài chia sẻ mới đây trên trang cá nhân của Nguyễn Quỳnh Trang về chuyện nghỉ việc của những người trẻ đã nhận được sự quan tâm rất nhiều người. Bởi lẽ, đó cũng là tiếng lòng của rất nhiều bạn trẻ đang đi làm, nhưng lại chưa tìm thấy đích đến, chưa tìm thấy hứng thú thực sự trong công việc của mình.
Nguyễn Quỳnh Trang từng là cây viết quen thuộc được yêu mến tại một tạp chí dành cho giới trẻ trong suốt nhiều năm. Sau đó, cô bất ngờ chuyển hướng sang làm marketing và lại tiếp tục chuyển công việc sau 3 năm gắn bó. Hiện nay, Trang đang giữ chức vụ quản lý sáng tạo tại một công ty quảng cáo.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Quỳnh Trang viết: "Hồi năm 2013, mình làm báo thấy hết vui. Hết vui tức là không nhìn được công việc mình làm tạo ra giá trị gì. Không thấy được mình sẽ phát triển tiếp như thế nào. Không còn cảm thấy vui vẻ khi bước vào cơ quan nữa. Viết bài mà cực như đi cày. Từ lúc mình thấy hết vui tới lúc mình nghỉ việc là khoảng 6 tháng. Lại mất thêm 1 năm nữa mới thực sự rời bỏ lĩnh vực báo chí. Mình mất nhiều thời gian vì SỢ".
Nỗi niềm của Quỳnh Trang cũng là tâm sự của rất nhiều người. Rất khó để bạn đưa ra quyết định từ bỏ công việc mình đã gắn bó, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Công việc đó cũng như "vùng an toàn", là thứ để đảm bảo bạn có tiền để sống, có chức danh...
Đấu tranh để đưa ra quyết định đó, Trang cũng từng sợ: "Sợ thất nghiệp, không có tiền. Sợ không biết làm gì tiếp theo, lỡ như mình chỉ có mỗi khả năng viết lách, nhảy qua cái khác lại làm dở thì sao. Sợ mất những gì đang có, bao gồm mất danh xưng "phóng viên", "cây bút", "chủ mục". Mất vị thế. Mất mối quan hệ. Sợ sự thay đổi. Sợ phải làm lại từ đầu". Quyết tâm dứt áo ra đi và chuyển sang lĩnh vực marketing được 3 năm, vòng luẩn quẩn của những nỗi sợ đó lại một lần nữa quay lại với Trang.
Khi có ý định nhảy việc, nhiều người chọn một phương án an toàn là tìm một chỗ dừng chân thích hợp rồi mới nghỉ việc cũ. Nhưng dường như đó không phải phương án tốt cho bạn. Khi công việc đã đi đến hồi bế tắc, chán nản, nhưng bạn vẫn không đủ can đảm để dừng lại thì việc nấn ná lâu hơn nữa chỉ khiến bạn thêm lãng phí thời gian của chính mình.
"Khi mà mỗi ngày thức dậy không còn thấy muốn làm việc nữa, mà chỉ thấy mệt mỏi, áp lực, thì điều duy nhất cần làm là dừng lại", Quỳnh Trang chia sẻ. Theo cô, việc cố nấn ná công việc cũ, chịu đựng sự bế tắc, chán nản chính là phản bội chính mình và không công bằng với những người đang làm việc cùng mình. Quỳnh Trang khuyên những người đã không còn hứng thú với công việc hiện tại thì hãy "nghỉ đi, dù chưa biết chặng tiếp theo làm gì".
Cô quan niệm rằng công việc là một phần của cuộc sống, "chúng ta đi làm 8 tiếng mỗi ngày, ngủ 8 tiếng và 8 tiếng còn lại dành cho mọi sinh hoạt khác. Nếu chỉ làm việc để sinh sống thì ta lỗ to vì đang đánh đổi 1/3 thời gian quý báu của cuộc đời chỉ để giữ an toàn cho 1/3 thời gian còn lại. Như vậy, để tối ưu thời gian - tôi phải "sống" trong cả 8 tiếng làm việc. Muốn vậy, phải chọn công việc mà mình có thể vui vẻ để làm".
Trang ví chuyện công việc cũng như chuyện tình yêu, khi không yêu nhau được nữa thì người ta cần rời đi. Dù rất có thể, sau chia tay, bạn sẽ phải sống một mình và rất lâu rất lâu nữa mới tìm được mối quan hệ mới. Quỳnh Trang quyết định với chính mình rằng: "Làm việc" là một dạng tình yêu, một mối quan hệ cần tôn trọng. Sự tôn trọng thể hiện bằng việc mình chấp nhận cái giá của sự tự do. Chẳng hạn như... thất nghiệp".
Vì bạn là người ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, vì thế đừng bao giờ cố gắng chịu đựng một cái bánh bao không ngon nữa, một mối quan hệ không còn phù hợp và những việc bạn không muốn... Bạn không phải là nạn nhân của cuộc đời mình, vì thế hay chọn làm những bạn muốn và làm nó với niềm vui, với lòng biết ơn, tinh thần rực rỡ nhất và chấp nhận trả giá.
Kết thúc chia sẻ của mình, Quỳnh Trang viết:
"Nghĩ rằng cái đang có đây, dù làm mình đau và mệt, là cái phao cuối cùng giữa bể đời.
Không phải đâu.
Buông phao đi, sẽ thấy trời cao đất rộng, thỏa chí tang bồng.
Phải can đảm về phía mình trước, rồi vũ trụ sẽ đáp lời".
Nguồn: http://cafef.vn